Nhìn lại kết quả phát triển sản xuất, sinh kế thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 và định hướng cho giai đoạn 2021-2025

Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, dự án mang lại việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp (bao gồm nông, lâm, ngư nghiệp) của các địa phương đã có nhiều thay đổi, nhiều người nghèo, hộ nghèo đã được tập huấn các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề, được tiếp cận với các kiến thức khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào thực tế, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị cao hơn để thay thế cho các giống cũ, phương thức canh tác, nuôi trồng cũ, năng suất thấp ở địa phương. Số lượng đàn gia súc đã tăng lên, phù hợp với nguyện vọng của người dân. Đã từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa như chuyên canh về cây ăn quả, chè, chăn nuôi trâu bò, cây dược liệu… Tỷ lệ nghèo đói bình quân giảm khoảng 5%/huyện/năm (Trạm Tấu 6,5%/năm, Mù Cang Chải 5,4%/năm). Thu nhập bình quân của người dân tại huyện nghèo tăng từ 8 triệu đồng/người/năm 2009 lên 21 triệu đồng/người/năm 2019.
Phát triển sản xuất, sinh kế thuộc Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%  (đến cuối năm 2019), bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1-1,5%/năm. Trong 4 năm, có 58% số hộ nghèo đã thoát nghèo. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn 27,85%, bình quân trong 4 năm giảm 5,65%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm bình quân 4%/năm; ước cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân các huyện nghèo còn khoảng 24%. Đến nay, đã có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 14/30 huyện nghèo[1]hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Dự kiến đến cuối năm 2020 khoảng 32 huyện thoát khỏi huyện nghèo, đạt chỉ tiêu đề ra[2]. Có 95/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn[3], đạt tỷ lệ 32,5% (vượt 2,5%)[4].  Có 1.298/3.973 thôn đặc biệt khó khăn (chiếm tỷ lệ 32,67%), 125/2.193 xã đặc biệt khó khăn (chiếm tỷ lệ 5,69%) hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 (thoát khỏi tình trạng ĐBKK)[5].
Có được kết quả  nêu trên việc hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế cho hộ nghèo đã được rà soát, tích hợp, bãi bỏ những văn bản  chính sách hỗ trợ Phát triển sản xuất để giảm nghèo không còn phù hợp, tạo tính thống nhất trong chính sách và tổ chức thực hiện chính sách như thống nhất về đối tượng hỗ trợ, nội dung hỗ trợ, cơ chế thực hiện (hỗ trợ theo dự án, hỗ trợ có điều kiện, lồng ghép các nguồn vốn...).  Ở những địa bàn khó khăn hơn thì bổ sung thêm hoạt động hỗ trợ như huyện nghèo có thêm khoán chăm sóc bảo vệ rừng, tiêm phòng gia súc; xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS có thêm hỗ trợ tạo đất sản xuất ... Đồng thời  phân cấp trao quyền cho cấp cơ sở thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất ( phê duyệt định mức hỗ trợ, cây con giống hỗ trợ) và xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng đã được đẩy mạnh. Đã chuyển sang hỗ trợ có điều kiện, đã gắn hỗ trợ với vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội.
Giai đoạn 2016-2019 ( tổng hợp từ 41 tỉnh) đã triển khai 13.513 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, có trên 1.502 nghìn lượt hộ được hỗ trợ. Các dự án tập trung hỗ trợ giống, vật tư, tập huấn kỹ thuật cho hộ nghèo. Sauk hi tham gia ndự án phát triển sản xuất nhiều hộ có thu nhập ổn định, thoát  nghèo bền vững. Về bảo vệ phát triển rừng gắn với giảm nghèo đã bố trí 617,448 tỷ đồng, để bảo vệ cho khoảng 2,1 triệu ha rừng, cho 311.448 lượt hộ nhận khoán rừng. thu nhập bình quân: 3,1 triệu đồng/ 1 hộ.
Mặc dù có được kết quả nêu trên, nhưng hiện nay, hộ nghèo còn khó khăn về vốn, kiến thức làm ăn, ở huyện nghèo, xã nghèo, vùng miền núi dân tộc thiểu số cũng có những khó khăn như địa hình chia cắt phức tạp, cơ sở hạ tầng còn bất cập, thiếu đồng bộ, vào mùa mưa thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân, cần có chính sách và giải pháp đồng bộ về hỗ trợ sản xuất và sinh kế.
Do đó đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo giai đoạn tới (2021-2025) là:
Kế thừa những thành tựu, ưu điểm của giai đoạn 2016-2020, khắc phục những hạn chế, bổ sung cơ chế chính sách mới theo hướng giảm hỗ trợ trực tiếp chuyển sang cho vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, tăng cường hỗ trợ tập huấn, tư vấn kỹ thuật?. Định hướng này hoàn toàn phù hợp cho giai đoạn tới, tuy vậy, cần có chuyển tiếp ( dự kiến ngân sách hỗ trợ khoảng 50%, vay tín dụng 40%, người dân đóng góp 10%). Thực hiện hỗ trợ theo dự án, hỗ trợ có điều kiện, lồng ghép các nguồn vốn...; tăng tập huấn kỹ thuật và kiến thức quản lý sản xuất để người nghèo chủ động quyết định các vấn đề về sản xuất của mình. Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo của người nghèo.
Tiếp tục thực hiện mạnh hơn nữa về phân cấp cho địa phương (Trung ương xây dựng chính sách khung, còn lại giao địa phương quyết định danh mục hỗ trợ, nội dung, định mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương) để hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, tạo việc làm có thu nhập ổn định giảm nghèo bền vững./.

 Phòng Giảm nghèo và An sinh xã hội nông thôn

[1]Quyết định số 615/QĐ-TTg và Quyết định số 293/QĐ-TTg.

[2] Đến cuối năm 2020 có 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng ĐBKK theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP trong giai đoạn 2016-2020.

[3]93 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã công nhận lên phường.

[4] Chỉ tiêu đề ra đến cuối năm 2020 có 30% số xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng ĐBKK.

[5]Báo cáo số 977/UBDT-VP135 ngày 10/8/2020 của Ủy ban Dân tộc.


© Bản quyền thuộc về Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đ/c: Số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, TP. Hà Nội.

Chịu trách nhiệm: Ông Lê Đức Thịnh - Cục Trưởng

Tel: 024.38438794 / Fax: 024.38438791 / Email: hcth.htx@mard.gov.vn; cucktht@gmail.com

Technology Supported by ECPVietnam

Chung nhan Tin Nhiem Mang