Công tác triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Thời gian qua công tác triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh cho thấy sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp quan tâm đến hộ nghèo, có những chính sách đúng đắn hợp lòng dân, được người dân nhiệt tình đón nhận, qua đó người dân tích cực tham gia phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo. Trong quá trình triển khai thực hiện, việc bình chọn đối tượng thụ hưởng một cách dân chủ, công khai từ cơ sở đã tạo niềm tin cho bà con trong thực hiện các chính sách của Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình đã làm thay đổi dần nhận thức của người dân về tập quán sản xuất cũng như ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả. Kết quả mang lại từ hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần đáng kể trong công tác xoá đói, giảm nghèo ở địa phương, làm chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân các ấp đặc biệt khó khăn trong tỉnh, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và xây dựng Nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như: Do hộ nghèo và hộ cận nghèo tại một số xã còn khá nhiều nên việc bình xét, chọn hộ tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, trong khi nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư hỗ trợ cho tỉnh còn hạn chế; tình hình kinh tế ở các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc Khmer còn chậm phát triển, lúng túng trong chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và tập quán canh còn lạc hậu; công tác họp dân để chọn mô hình thực hiện sản xuất gặp nhiều khó khăn do đa số người dân trình độ thấp, thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu đất sản xuất và thiếu vốn dẫn đến công tác thực hiện Chương trình chậm trễ so với kế hoạch đề ra; trình độ của đồng bào dân tộc Khmer còn hạn chế, thực trạng thiếu việc làm trong đồng bào dân tộc còn phổ biến, chất lượng lao động thấp; một bộ phận người dân tộc còn thụ động, trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động trong lao động sản xuất để thoát nghèo, chưa áp dụng tốt tiến bộ khoa học vào sản xuất, chưa thay đổi nếp nghĩ, nếp làm, tính làm ăn tập thể không cao, hoạt động mang tính cầm chừng.
 Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại đó, tỉnh cũng đã đưa ra một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới như: Quan tâm công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số hiểu và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhằm nâng cao dân trí gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động dân tộc thiểu số; Thường xuyên nhân rộng điển hình tiên tiến, những mô hình phát triển sản xuất làm ăn có hiệu quả, gương người tốt, việc tốt và kịp thời khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong các phong trào. Cấp uỷ, chính quyền các cấp cần quan tâm và gần gũi hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào các dân tộc thiểu số để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để kiến nghị lên cấp trên../.
Bùi Quang Tuấn – Cục Kinh tế hợp tác và PTNT


© Bản quyền thuộc về Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Đ/c: Số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, TP. Hà Nội.

Chịu trách nhiệm: Ông Lê Đức Thịnh - Cục Trưởng

Tel: 024.38438794 / Fax: 024.38438791 / Email: cucktht@gmail.com

Technology Supported by ECPVietnam