CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO CỦA TỈNH THÁI NGUYÊN MỘT CÁCH LÀM, MỘT HƯỚNG ĐI

Mặc dù trong quá trình triển khai Thái Nguyên còn gặp một số khó khăn trong bố trí nguồn lực: Nhu cầu vốn thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh rất lớn, số hộ nghèo, cận nghèo còn nhiều, trong khi ngân sách địa phương hằng năm còn phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương (đến năm 2019 mới tự cân đối được ngân sách), nên việc bố trí ngân sách địa phương còn khó khăn. Cơ cấu nguồn vốn chủ yếu là nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, nguồn ngân sách cấp tỉnh và cấp huyện hỗ trợ Dự án còn hạn hẹp, nguồn vốn đóng góp, huy động từ nhân dân còn thấp, chưa huy động được nguồn vốn xã hội hóa. Mức kinh phí hỗ trợ thực hiện dự án còn thấp so với nhu cầu thực tế của địa phương, nhưng để đối phó với thực tế Thái Nguyên đã thành lập hệ thống bộ máy chỉ đạo điều hành thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo từ cấp tỉnh đến cấp xã theo quy định, thường xuyên được bổ sung, kiện toàn để đảm bảo công các chỉ đạo, điều hành triển khai kịp thời Chương trình. Các huyện, thành phố, thị xã xây dựng đề án, kế hoạch tổ chức thực hiện các mục tiêu giảm nghèo; phân công, phân cấp trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện giảm nghèo; đề cao tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm cho cơ sở và tăng cường sự tham gia của người dân; thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã để thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, qua đó kịp thời chỉ đạo, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh trong tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định, hiệu quả của Chương trình.
Qua 5 năm thực hiện chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, từ năm 2016 đến nay tỉnh Thái Nguyên đã giảm được 18.949 hộ nghèo khu vực nông thôn (từ 33.290 hộ năm 2016 xuống còn 14.341 hộ năm 2019); hộ cận nghèo giảm 4.733 hộ (từ 26.037 hộ xuống còn 21.304 hộ). Tổng số hộ thoát nghèo sau khi tham gia các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2016-2019 đạt 6.713 hộ (hộ tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế là 6.713 hộ, hộ tham gia dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo là 329 hộ). Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh tỉnh giảm từ 11,21% năm 2016 xuống còn 4,35% năm 2019. Điều đáng quan tâm, công tác xây dựng và tổ chức triển khai, thực hiện dự án đều có sự tham gia của người dân, đặc biệt là các đối tượng thụ hưởng Chương trình. Người dân tham gia vào việc khảo sát lập dự án, đăng ký nhu cầu thực hiện, tham gia họp thôn bình xét đối tượng thụ hưởng, tham gia góp đối ứng bằng hiện vật, tiền mặt…Bên cạnh đó người dân còn là thành viên Ban Giám sát cộng đồng thôn, xã, giám sát công tác tổ chức triển khai dự án đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách hỗ trợ, tiến độ thực hiện góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện dự án. Triển khai tổ chức thực hiện công khai, đúng quy định, đúng đối tượng, nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất đáp ứng kịp thời nhu cầu, điều kiện của người dân, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Dự án triển khai hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu và các thôn, xóm đặc biệt khó khăn, trang bị thêm kiến thức sản xuất chuyển giao khoa học kỹ thuật thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm).
Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế thuộc các chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 là hết sức cấp thiết trong thời gian tới, nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, công bằng xã hội góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, qua đó giữ vững ổn định xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước; tạo sự đồng thuận và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của xã hội về lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Lan Anh - Phòng Giảm nghèo và ASXHNT


© Bản quyền thuộc về Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Đ/c: Số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, TP. Hà Nội.

Chịu trách nhiệm: Ông Lê Đức Thịnh - Cục Trưởng

Tel: 024.38438794 / Fax: 024.38438791 / Email: cucktht@gmail.com

Technology Supported by ECPVietnam