Trăn trở tìm hướng đi trong chuyển đổi ngành nghề, cây trồng, vật nuôi thay thế cây thuốc lá ở tỉnh Lạng Sơn

Với điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp để cây thuốc lá phát triển cho năng suất và chất lượng cao nên nhiều năm qua cây thuốc lá được tỉnh Lạng Sơn chọn là cây mũi nhọn để phát triển kinh tế của tỉnh, giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Những năm trước đây diện tích trồng thuốc lá của tỉnh Lạng Sơn cao thứ 2 trong cả nước (năm 2014 diện tích trồng thuốc lá là 5.776 ha thì đến năm 2021 giảm xuống còn 2.184 ha phân bố chủ yếu tại 5 huyện Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan và Bình Gia) đem lại nguồn thu nhập ổn định và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Tuy nhiên năm 2009 sau khi Việt Nam phê duyệt kế hoạch thực hiện công ước khung về kiểm soát thuốc lá, đưa các chính sách, qui định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; về tác hai và các bệnh do thuốc lá gây ra được hiện thực hóa, tỉnh Lạng Sơn cũng đã có kế hoạch điều chỉnh tái cơ cấu cây trồng thay thế cây thuốc lá để đảm bảo an sinh xã hội nông thôn tới năm 2021 thì diện tích trồng cây thuốc lá giảm rõ rệt.

Làm việc với Phòng nông nghiệp huyện Chi Lăng về phương án chuyển đổi ngành nghề, cây trồng

Bên cạnh đó, trong những năm qua ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thực hiện các biện pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, chuyển đổi cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến các loại cây công nghiệp, cây ăn quả... Các huyện có diện tích trồng cây thuốc lá lớn như: Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Bình Gia, Văn Quan dựa trên thế mạnh về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với các cây có múi; cây gai xanh, thạch đen, đỗ tương.....

Tỉnh chú trọng việc tuyên tryền, vận động, đào tạo nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng các giống cây trồng phù hợp, ưu tiên giống bản địa cho năng suất và giá trị kinh tế cao. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm mà người dân đã chuyển đổi từ cây thuốc lá. Cây Na trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và OCOP đang là hướng đi mới mang lại giá trị kinh tế cao và thương hiệu nông sản đặc trưng của tỉnh Lạng Sơn (chủ lực của huyện Chi Lăng), với diện tích trồng na ước đạt trên 2.300 ha, cho sản lượng khoảng 20.000 tấn quả/năm (bao gồm cả na rải vụ), doanh thu ước đạt khoảng 700 tỷ đồng. Hiện nay, diện tích na trên địa bàn Chi Lăng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 698,92 ha thu hút được nhiều người dân chuyển đổi diện tích trồng cây thuốc lá sang canh tác Na, tỉnh đã tổ chức các cuộc thi, "Hội chợ Na Chi Lăng và các sản phẩm nông sản năm 2022" tạo động lực cho người nông dân trồng Na yên tâm, tin tưởng vào cây trồng, giúp quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Lạng Sơn nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con nông dân, thay thế, chuyển đổi dần cây thuốc lá.

(Đỗ Thị Thu Trang)


© Bản quyền thuộc về Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đ/c: Số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, TP. Hà Nội.

Chịu trách nhiệm: Ông Lê Đức Thịnh - Cục Trưởng

Tel: 024.38438794 / Fax: 024.38438791 / Email: hcth.htx@mard.gov.vn; cucktht@gmail.com

Technology Supported by ECPVietnam

Chung nhan Tin Nhiem Mang