Kết quả xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Theo báo cáo của Ủy Ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn tại buổi làm việc với đoàn công tác của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020 với tổng kinh phí thực hiện là 828.739 triệu đồng; thực hiện đầu tư 1.698 công trình (trong đó xây dựng mới 839 công trình). Đã duy tu, bảo dưỡng 325 công trình với kinh phí thực hiện là 50.053 triệu đồng. Các công trình hạ tầng được xây mới, tu sửa đã tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa cũng như tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 đã hỗ trợ 303.047 triệu đồng với 258.683 hộ được hưởng lợi; chủ yếu hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo và cận nghèo, tập trung hỗ trợ vào giống vật nuôi, cây trồng, vật tư phục vụ sản xuất và xây dựng mô hình phát triển sản xuất. Dự án đào tạo, bồi dưỡng thuộc Chương trình 135 đã tổ chức được 537 lớp tập huấn cho 34.686 lượt cán bộ xã, thôn và cộng đồng để nâng cao năng lực quản lý và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Cũng theo báo cáo, kết quả thực hiện Chương trình 30a đã thực hiện đầu tư hạ tầng cho 57 công trình với kinh phí 528.268 triệu đồng; thực hiện 58 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình hỗ trợ vật tư nông nghiệp, có hơn 4.813 hộ được hưởng lợi; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 với tổng kinh phí 8.371 triệu đồng, hỗ trợ vật tư nông nghiệp 19.156 kg, giống cây lương thực hoa màu 27.516 kg, vật nuôi 67 con, thức ăn chăn nuôi 9.365 kg, góp phần tạo thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống người dân tại các huyện nghèo.
Các tổ chức tín dụng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được nguồn vốn, tổ chức phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, tạo việc làm. Thông qua chính sách tín dụng đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện chất lượng cuộc sống, tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản từ đó nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Kết quả trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã giải ngân, cho vay thông qua Ngân sách Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi được trên 100.000 lượt hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn với gần 3.100 tỷ đồng, bình quân 20-25 triệu đồng/hộ; xây dựng 32 mô hình với 1.640 lượt người nghèo tham gia; tổ chức 42 lớp tập huấn, hướng dẫn cho 2.203 lượt người nghèo về cách thức tổ chức sản xuất; 60.000 lượt lao động được dạy nghề miễn phí, trong đó trên 60% đã tìm được việc làm, tự tạo việc làm. Mô hình giảm nghèo được nhân rộng ở 8 xã thuộc 8 huyện với 240 hộ tham gia, trong đó 98% là hộ nghèo (238 hộ); mỗi năm số hộ nghèo tham gia mô hình đã tăng 15% ngày công lao động, thu nhập tăng từ 20-25%, 15% Số hộ nghèo tham gia mô hình đã thoát nghèo. Hỗ trợ cho 315.000 lượt học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn được miễn giảm học phí, được hỗ trợ sách vở; tập huấn nâng cao năng lực cho 12.000 lượt cán bộ giảm nghèo ở cơ sở; 16.989 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở. Hỗ trợ tiền điện cho 166.345 lượt hộ nghèo với kinh phí là 59 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã ban hành chính sách đặc thù của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất đối với dân tộc thiểu số ít người ở xã đặc biệt khó khăn trên địa vàn tỉnh giai đoạn 2017-2020; đối tượng thụ hưởng chính sách là đồng bào dân tộc thiểu số ít người có dân số dưới 10% dân số toàn tỉnh, là hộ nghèo, có hộ khẩu thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn; kết quả đã thực hiện hỗ trợ được 9.564 lượt hộ (mức hỗ trợ 02 triệu đồng/hộ/năm), kinh phí thực hiện là 25.427 triệu đồng; nội dung hỗ trợ là mua giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, hỗ trợ thức ăn chăn nuôi. Qua 4 năm thực hiện chính sách, tỷ lệ hộ được thụ hưởng thoát nghèo bình quân mỗi năm đạt 8%.
Tuy nhiên cũng theo nhận định, đánh giá của UBND tỉnh thì mặc dù công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực song tỷ lệ hộ nghèo ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững.
Để giải quyết các vấn đề khó khăn vướng mắc còn tồn đọng, UBND tỉnh cũng đề ra phương hướng , nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số về giảm nghèo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình phát triển sản xuất, mô hình giảm nghèo có hiệu quả trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Bùi Quang Tuấn
Cục Kinh tế hợp tác và PTNT
Tin liên quan
- HỘI NGHỊ SƠ KẾT 02 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 52/2018/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN
- Lễ chia tay đồng chí Nguyễn Văn Nghiêm, nguyên Chánh Văn phòng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn về hưu trí theo chế độ
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020
- Hội thảo về tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025
- NGƯỜI DÂN LONG HẸ GIÃ BIỆT CÂY THUỐC PHIỆN
- Kết quả xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
- Đắk Nông, hỗ trợ phát triển sản xuất - Sinh kế bền vững
- hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, thực trạng và giải pháp
- NHỮNG BƯỚC ĐI ĐỂ GIẢM NGHÈO CỦA XÃ VÙNG CAO KHÓ KHĂN
- Quảng Bình hỗ trợ giảm nghèo ở các xã ĐBKK