hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, thực trạng và giải pháp

Công tác giảm nghèo luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng.

         Triển khai chương trình khuyến nông, hỗ trợ xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để người nghèo dễ tiếp cận và tham gia.
         Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh như mô hình Trồng rừng keo lai vô tính; Trồng cây Macca; Thâm canh cà phê vối; Mô hình sản xuất cà phê chè bền vững được cấp giấy chứng nhận; Xây dựng mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng; Trồng cây ăn quả; nuôi heo rừng lai; Nuôi lợn hương; nuôi gà đẻ, gà thịt; nuôi cá sử dụng các đối tượng truyền thống… Thông qua mô hình, Trung tâm đã mở nhiều lớp tập huấn, hội thảo để nông dân nhân rộng mô hình. Từng bước góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cây trồng, vật nuôi, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.
Việc triển khai các mô hình, một số sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, như: cà phê, chè, bơ, sầu riêng, bò sữa, cá nước lạnh, dược liệu, các loại rau củ quả an toàn ngày càng mở rộng tới các thị trường trong và ngoài nước. Sản phẩm nông nghiệp của bà con sản xuất ra đã và đang từng bước gắn với xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị. Tiêu biểu như hợp tác xã sản xuất chuối la ba tại Đam Rông.
          Bố trí và sử dụng các nguồn lực từ chương trình xây dựng nông thôn mới đầu tư trước cho các xã nghèo.
         Để thực hiện tốt việc lồng nghép, huy động nguồn lực thực hiện Chương trình, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng các đề án, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh, triển khai lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới như: Cơ chế hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn theo phương thức “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ vật tư”; cơ chế huy động các nguồn lực và tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để xây dựng nông thôn mới; quy định mức hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã; hỗ trợ phát triển hệ thống ao hồ nhỏ phục vụ Chương trình theo phương thức “Nhân dân làm công trình, nhà nước hỗ trợ ca máy”,... Thực hiện bố trí các nguồn vốn theo hướng ưu tiên cho các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã phấn đấu về đích nông thôn mới,... Việc đẩy mạnh phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư có sự tham gia của cộng đồng dân cư; khai thông nguồn vốn tín dụng để người dân đầu tư phát triển sản xuất cũng đã phát huy hiệu quả, thu hút nguồn lực thực hiện Chương trình. Thực hiện Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg, ngày 22/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã phân bổ và bố trí nguồn vốn Trung ương thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 cho 33 xã đặc biệt khó khăn đạt trên 5 tiêu chí là 367.257 triệu đông.
          Mức độ tham gia của các đối tượng hưởng lợi.
         Các Tiểu dự án, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2018 đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế tích cực cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo nói riêng và địa phương nói chung. Việc lựa chọn danh mục hỗ trợ sản xuất được thông qua các cuộc họp thôn, bản theo nguyên tắc dân chủ, công khai có sự tham gia của người dân, sau cuộc họp lựa chọn các dự án sản xuất nông nghiệp được người dân đề xuất có lợi thế so sánh, phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương để hỗ trợ. Các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được ưu tiên hỗ trợ, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn từng bước nâng cao đời sống của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn.
          Thông qua các Tiểu dự án, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, người dân đã thay đổi được nhận thức về phương thức sản xuất mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp; đặc biệt người dân đã biết lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của hộ gia đình, điều kiện sản xuất của địa phương và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm hàng hóa tập trung có chất lượng đạt hiệu quả kinh tế cao.
         Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi còn có một số khó khăn hạn chế: Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chưa còn mang tính chia đều, cho không là chính, chưa khuyến khích người nghèo đối ứng, chưa hỗ trợ theo các nguyên nhân nghèo và khả năng từng hộ. Việc lấy ý kiến người dân trong triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất chưa được coi trọng dẫn đến hiệu quả hỗ trợ chưa cao; Tình trạng di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc đến địa bàn sinh sống, phá rừng làm rẫy trái phép trong rừng sâu, tạo áp lực lớn trong công tác giảm nghèo gây ảnh hưởng đến an ninh,chính trị, trật tự an toàn xã hội; Một số xã chưa chú trọng xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo mang tính bền vững, lâu dài, chỉ tập trung hỗ trợ các mô hình vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Công tác nhân rộng các mô hình giảm nghèo chưa đạt hiệu quả cao, chưa tạo được nhiều mô hình giúp nhau giữa người giàu, người làm ăn giỏi với người nghèo để cùng nhau thoát nghèo, vươn lên; Phần lớn lao động trong các hộ nghèo ít tham gia các lớp học nghề, do đó trình độ sản xuất, kinh doanh hạn chế, thiếu kiến thức, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn hạn chế, chưa chú trọng đến việc đầu tư thâm canh, tăng năng suất nên giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích chưa cao.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, đồng thời khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn tới, tỉnh Lâm Đồng cũng đã đề ra các đề xuất cụ thể như:
         Hiện nay có nhiều chính sách hỗ trợ cho vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên các chính sách vẫn đang tập trung giải quyết từng vấn đề cụ thể, nguồn vốn thực hiện dàn trải; các cơ chế để thực hiện chính sách chưa đồng bộ, gây khó khăn cho quá trình triển khai cụ thể tại địa phương. Đề nghị Chính phủ thống nhất các chính sách hỗ trợ hiện nay thành 01 chính sách chung về phát triển kinh tế, xã hội cho vùng dân tộc thiểu số, trong đó cần tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng làm nền tảng để người dân đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, ổn định an ninh trật tự xã hội.
          Các Bộ, ban ngành quan tâm nghiên cứu có cơ chế, chính sách đặc thù cho người dân tộc thiểu số, đặc biệt cơ chế huy động vốn đối ứng trong xây dựng nông thôn mới, vì hiện nay để huy động được nguồn vốn đối ứng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số hết sức khó khăn.
         Cần có chính sách đặc thù, đồng bộ đối với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng hỗ trợ theo nhóm cộng đồng, có thu hồi, luân chuyển do công đồng tự quản lý và tổ chức thực hiện phù hợp với phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương nhằm phát huy nội lực của mỗi người dân, hộ gia đình đồng thời hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Bùi Quang Tuấn
Cục Kinh tế hợp tác và PTNT


© Bản quyền thuộc về Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Đ/c: Số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, TP. Hà Nội.

Chịu trách nhiệm: Ông Lê Đức Thịnh - Cục Trưởng

Tel: 024.38438794 / Fax: 024.38438791 / Email: cucktht@gmail.com

Technology Supported by ECPVietnam