Xây dựng chuỗi giá trị là hướng đi bền vững cho kinh tế hợp tác xã
Trong hai ngày 13, 14 tháng 8 Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn và Hội Khoa học và Phát triển Nông thôn cùng một số thành viên trong Hệ sinh thái Nông nghiệp B4-PV: Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Quốc tế Âu Lạc làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đoàn công tác làm việc với Sở NNPTNT Đồng Nai
Trong hai ngày 13, 14 tháng 8 Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn và Hội Khoa học và Phát triển Nông thôn do ông Lê Đức Thịnh Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn làm trưởng đoàn cùng đi với đoàn có ông Tăng Minh Lộc Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Phát triển Nông thôn, ông Nguyễn Ngọc Thụy đại diện Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Quốc tế Âu Lạc làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nội dung làm việc về tình hình phát triển Hợp tác xã nông nghiệp tại hai tỉnh và khảo sát một số mô hình Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao.

Đoàn công tác làm việc tại Trụ sở HTX NN Công nghệ Cao Long Thành Phát
Tại Đồng Nai, đoàn công tác có thăm và làm việc với HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Long Thành Phát, đây là mô hình chăn nuôi gà công nghệ cao lớn nhất cả nước.
Hợp tác xã có 12 thành viên với quy mô tổng đàn hàng năm xuất 2-2,5 triệu con gà thương phẩm, hiện tại mỗi ngày Hợp tác xã xuất chuồng 25.000 con.

Ông Lê Văn Quyết Chủ tịch HĐQT – Giám đốc Hợp tác xã cho biết, ông đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chăn nuôi gà tại Đồng Nai, giai đoạn đầu tiên chăn nuôi theo quy mô nông hộ, trong quá trình chăn nuôi ông nhận thấy nếu cứ đi một mình sẽ không thể mở rộng quy mô khó cạnh tranh và không thể làm việc với các đối tác lớn. Từ thực tế đó, ông đã tập hợp anh em, bạn bè cùng chăn nuôi thành lập hợp tác xã với mong muốn đi ra biển lớn và xác định phải xây dựng được chuỗi liên kết khép kín từ khâu đầu vào: giống, thuốc, thức ăn đến chăn nuôi, giết mổ, xuất khẩu và đặc biệt là phải liên kết với các doanh nghiệp lớn.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Đức Thịnh cho rằng đây là HTX đi đầu của cả nước trong xây dựng chuỗi giá trị khép kín và quy mô lớn không thua kém mô hình HTX ở một số nước phát triển. Ông cho rằng các hợp tác xã nông nghiệp trong từng lĩnh vực cần phải phát triển theo hướng xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao để giảm giá thành sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh. Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn sẽ là cầu nối giữa các Doanh nghiệp và Hợp tác xã để xây dựng các chuỗi giá trị theo từng ngành hàng như: chuỗi giá trị lúa gạo nội địa tại ĐBSCL trong đó Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật Quốc phòng là đơn vị chủ trì, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Quốc tế Âu Lạc là đơn vị công nghệ cung cấp công nghệ vi sinh....
Trở lại với mô hình của Hợp tác xã Long Thành Phát, ông Lê Văn Quyết cho rằng với nỗ lực và tâm huyết, tìm tòi, sáng tạo sản phẩm gà của Hợp tác xã đã chinh phục được thị trường khó tính là Nhật Bản.
Để trang trại nuôi gà đạt chất lượng xuất khẩu sang Nhật Bản, ông Quyết cho biết trại phải đảm bảo các yêu cầu rất khắt khe. Trước hết, Công ty TNHH Koyu & Unitek (Nhật) cử chuyên gia Nhật Bản xuống thẩm định thực tế tại trang trại, vị trí trại phải xa khu dân cư, chuồng trại xây bài bản, đảm bảo an toàn dịch bệnh, không gây ô nhiễm, thoáng mát, xanh sạch.
Mặc dù trang trại gà của ông Quyết được Cục Thú y (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn) thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhưng đó chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là trước khi xuất chuồng 5 ngày, phía công ty Nhật sẽ xuống từng trại lấy mẫu thịt gà đem đi xét nghiệm. Nếu đạt yêu cầu không tồn dư kháng sinh thì mới tiến hành thu mua. Nếu không đạt họ sẽ không mua nguyên lô gà của chuồng đó, trại còn bị xử phạt vì vi phạm hợp đồng.
Trại gà nằm trong chuỗi liên kết xuất khẩu nên phải truy xuất nguồn gốc xuất xứ từ con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi, nhà máy chế biến giết mổ. Trong suốt quá trình chăn nuôi, các trang trại phải ghi chép nhật ký cập nhật thông tin chăn nuôi từng ngày gửi báo cáo về cho công ty Nhật Bản.
Trại gà sử dụng hệ thống làm mát tự động, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió… sẽ được điều chỉnh tự động theo từng ngày tuổi của con gà. Cám chở từ nhà máy bằng xe bồn, bơm vào silo qua hệ thống tự động dẫn vào các máng ăn. Nước uống và thuốc thú y sử dụng máy pha thuốc cũng qua hệ thống tự động đưa đến từng núm uống.

Trại sử dụng chất đệm sinh học và công nghệ khử mùi hôi. Trại gà không có nước thải nên không ô nhiễm môi trường. Sau mỗi lứa gà xuất chuồng, phân gà của trại ký kết với công ty Huy Bảo thu gom để sản xuất phân vi sinh; chất thải nguy hại chủ yếu là bao bì thuốc thú y được trại ký kết với công ty Sonadezi thu gom xử lý đúng quy định.
Bài viết có tham khảo tư liệu của các đồng nghiệp!
Tin liên quan
- Lễ ra mắt Liên hiệp Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hiệp Hòa và ký kết chương trình hợp tác kinh doanh với công ty Cổ phần VietCoop
- GAET - Âu Lạc đồng hành trong công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi
- Hợp tác xã Nông Nghiệp Evergrowth khai trương nhà máy chế biến sữa tươi nguyên chất 100%
- Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Bộ trường Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn thăm thực địa cánh đồng lớn tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.
- Triển khai chuỗi giá trị lúa gạo nội địa 30.000 ha tại An Giang
- Hệ sinh thái Nông nghiệp B4-PV đồng hành cùng sự phát triển của khu vực kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Đoàn công tác Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang
- Xây dựng chuỗi giá trị là hướng đi bền vững cho kinh tế hợp tác xã
- Tìm hướng phát triển nông nghiệp bền vững cho “Vùng đất Phật - Đồng bằng Sông Cửu Long” trước những bất lợi về biến đổi khí hậu”
- Hội nghị đánh giá mô hình cánh đồng lớn gắn với chuỗi giá trị lúa gạo xuất khẩu ứng dụng công nghệ vi sinh GAET - ÂU LẠC.