Hội thảo tổng kết dự án chuỗi giá trị lúa gạo cho nông hộ nhỏ theo định hướng thị trường (MSVC)
Hội thảo tổng kết dự án chuỗi giá trị lúa gạo cho nông hộ nhỏ theo định hướng thị trường (MSVC)
Ngày 21 tháng 9 năm 2022, tại thành phố Cần Thơ, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị: Ban quản lý dự án MSVC, Công ty Olam Việt Nam và Sở Nông nghiệp và PTNT 4 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu và Cần Thơ tổ chức Hội thảo tổng kết dự án chuỗi giá trị lúa gạo cho nông hộ nhỏ theo định hướng thị trường với trên 100 đại biểu tham dự. Thành phần Hội thảo có ông Vũ Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT; Ông Ole Henriksen, Đại diện dự án MSVC thuộc GIZ và Ông Mohit Agarwal, Tổng Giám đốc Olam Agri Việt Nam đồng chủ trì hội thảo; cùng tham dự có đại diện các đơn vị: Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyên nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật… các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu và thành phố Cần Thơ, các HTX, các tổ chức phi Chính phủ, các cơ quan Báo đài Trung ương và địa phương.
Ông Vũ Văn Tiến - Phó Cục Trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội thảo
Dự án chuỗi giá trị lúa gạo cho nông hộ nhỏ theo định hướng thị trường (MSVC) là một dự án hợp tác công tư giữa Bộ hợp tác kinh tế và phát triển CHLB Đức (BMZ) và Công ty Đa quốc gia Olam International Ltd, thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 đến năm 2022. Bộ Nông nghiệp và PTNT là cơ quan chủ quản dự án. Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn là Chủ dự án. Đơn vị thực hiện dự án gồm: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Tổ chức hợp tác quốc tế Đức - GIZ và Công ty TNHH quốc tế Olam Việt Nam thực hiện. Mục tiêu của dự án là cải thiện sinh kế của 10.000 hộ nông dân trồng lúa của 04 tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ thông qua các giải pháp toàn diện từ cải tiến kỹ thuật canh tác đến tiếp cận thị trường, trong đó tập trung phát triển các tổ chức nông dân, nâng cao năng lực hợp tác của các chủ thể trong chuỗi giá trị (nông dân, THT/HTX, doanh nghiệp đầu vào và doanh nghiệp đầu ra - chế biến, xuất khẩu) đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác công tư.
Sau thời gian 4 năm thực hiện dự án đã triển khai hoạt động thúc đẩy tiêu chuẩn canh tác lúa bền vững SRP cho 10.000 nông hộ nông dân tại 4 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu và TP. Cần Thơ; sản xuất được 150.000 tấn gạo đạt tiêu chuẩn quốc tế xuất khẩu gạo sang các thị trường như châu Âu và Mỹ; trong số các HTX tham gia dự án có 5 HTX tham gia dự án đã sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn SRP cấp độ 2 và mô hình trình diễn của dự án đã giảm tới 40% mức sử dụng nước và tới 70% phát thải khí nhà kính, góp phần thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như của Việt Nam./.
Người đưa tin: Bùi Quang Tuấn - PCVP
Tin liên quan
- Hợp tác xã sẽ tham gia nhiều hơn vào Dự án VnSAT
- Tăng cường liên kết chuỗi giữa các chủ thể để phát triển nền nông nghiệp
- Thiếu khung pháp lý cho tín dụng nội bộ HTX nông nghiệp
- Tổng kết công tác đổi mới, phát triển kinh tế tập thể
- Ghi nhận ở HTX có gần 30.000 con gà Đông Tảo, doanh thu gần 10 tỷ đồng/năm
- Hội nghị củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp và Phiên chợ HTX nông nghiệp vùng cao tại Cao Bằng
- Liên kết xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp của các Hợp tác xã
- Lễ Khai trương Go!Market big Nguyễn Xiển
- Bản tin Hợp tác xã nông nghiệp tháng 9/2018
- Báo cáo tình hình thực hiện các Kế hoạch số 6355/KH-BNN-KTHT và 6390/KH-BNN-KTHT 6 tháng đầu năm ước tính thực hiện cả năm 2019 và kế hoạch thực hiện năm 2020
Tin mới nhất

Hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ thuật sản xuất muối sạch cho diêm dân, các hợp tác xã sản xuất muối và cán bộ quản lý muối các tỉnh, thành phố ở miền Bắc từ ngày 25-26/9/2023 tại tỉnh Nam Định
