Cơ giới hóa nông nghiệp Hàn Quốc

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới và khu vực có trình độ cao về cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch tiên tiến, các nước Âu- Mỹ đã bắt đầu thực hiện cơ giới hóa từ những năm 30-40 của thế kỷ 20, đến nay đã đạt đến mức đồng bộ và tự động một số khâu canh tác.
Đối với một số nước trong khu vực có điều kiện sản xuất nông nghiệp tương đối giống như Việt Nam, có mức độ cơ giới hóa nông nghiệp cao, nên chọn tham khảo để học kinh nghiệm.
Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đăng một số thông tin về những kết quả cơ giới hóa nông nghiệp một số nước ;
Bài 1: Cơ giới hóa nông nghiệp Hàn Quốc:
 
 Máy gặt đập liên hợp lúa Daedong
 
Nông nghiệp Hàn Quốc chiếm 3,2% GDP, lực lượng lao động nông nghiệp chiếm 6,4%. Những năm 50 sản xuất nông nghiệp vẫn dùng lao động thủ công, đầu những năm 60 bắt đầu dùng máy bơm nước và phun thuốc trừ sâu và khoảng năm 1970 máy kéo nhỏ 2 bánh được sử dụng rộng rãi.
Tháng 12 năm 1978  Hàn Quốc đã ban hành luật khuyến khích cơ giới hóa nông nghiệp. Năm 1980 bắt đầu sử dụng máy gặt đập liên hợp và máy sấy. Đến đầu những năm 90 đã phát triển cơ giới hóa một cách đồng bộ, chỉ có riêng khâu làm khô nông sản mới đạt 39%, còn các khâu khác đạt 95 – 100%.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp được triển khai nhờ ứng dụng thành tựu công nghệ (sinh học, hóa học, cơ điện) vào nông nghiệp và phát triển công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp ở trong nước với 95 xí nghiệp lớn, vừa và nhỏ. Thời gian đầu Hàn Quốc tiến hành liên doanh với nước ngoài, chủ yếu là Nhật Bản để chế tạo động cơ và máy kéo nhỏ rồi tiến lên tự sản xuất ở trong nước, phần lớn là các máy móc chủ yếu cho nông nghiệp.
Hàn Quốc là nước đầu tiên ở Châu Á đề ra chiến lược tổng thể về cơ giới hóa nông nghiệp (CGH NN) theo hệ cơ khí nhỏ là chủ yếu và đã thực hiện thành công. Chính phủ có chính sách hỗ trợ nông dân cơ giới hóa, khuyến khích lập các tổ cơ giới hóa nông nghiệp của nông dân, cho vay 60% và trợ cấp 40% tiền mua máy, thời hạn cho vay là 5 năm, lãi suất 6%/năm.
Tốc độ CGH NN Hàn Quốc thể hiện rõ rệt qua tình hình trang bị máy kéo nhỏ cho nông nghiệp thời gian 1961-1994 tăng 28 lần;
Đầu những năm 90, Hàn Quốc đã đạt mức độ CGH cao ở hầu hết các khâu sản xuất lúa, đạt 10 HP/ha.
Trong điều kiện đất đai canh tác ít, giá công lao động cao, sản xuất nông nghiệp Hàn Quốc từ những năm 90 có xu hướng chuyển sang công nghệ nông nghiệp kỹ thuật cao, sản xuất trong nhà kính với thiết bị điện tử tự động hóa. Số nhà kính SX nông nghiệp đã tăng từ 13.700 chiếc (năm 1992) lên 33.800 chiếc (năm 1994). Không chỉ các trang trại nông nghiệp mà một số xí nghiệp công nghiệp cũng bắt đầu đi vào sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao để nâng cao chất lượng, hạ giá thành nông sản. Trong hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm ở Hàn Quốc cũng được phát triển nhanh với gần 5.000 xí nghiệp lớn, vừa và nhỏ nằm ở thành phố và nông thôn. Sản phẩm gạo sấy của Hàn Quốc chế biến được xuất sang thị trường Nhật Bản.
Trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, cơ sở hạ tầng nông thôn Hàn Quốc được phát triển theo hướng đô thị hóa. Các công trình thủy lợi được xây dựng, đồng ruộng được cải tạo, mương máng tưới tiêu nước được bê tông hóa, mạng lưới đường giao thông rải nhựa nối liền từ các thành phố lớn đến các thị trấn và làng xã.
Theo kết quả điều tra toàn quốc của Hàn Quốc, đến năm 2013, cơ giới hóa khâu làm đất 100%; cấy 99,9%; phun thuốc bảo vệ thực vật 99%; thu hoạch 99,9%; sấy 90,1%. Tuy vậy, đối với sản xuất lúa trên nương rẫy ở vùng cao, các khâu cơ giới hóa có đặc thù riêng và tỷ lệ cơ giới hóa thấp hơn, năm 2013 chỉ đạt 56,3% so với 97,8% bình quân toàn quốc.
Mức độ trang bị máy nông nghiệp bình quân trên 100 hộ nông dân của Hàn Quốc khá cao, chỉ đứng thứ 2 ở châu Á sau Nhật Bản. Nếu tình bình quân số lượng máy nông nghiệp trên 100 ha thì của Hàn Quốc là 1.239 chiếc, so với 4.588 chiếc của Nhật bản và 65 chiếc của Trung Quốc./.
         
                                          Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2020
                                                     Vũ Anh Tuấn, biên tập sưu tầm


© Bản quyền thuộc về Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đ/c: Số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, TP. Hà Nội.

Chịu trách nhiệm: Ông Lê Đức Thịnh - Cục Trưởng

Tel: 024.38438794 / Fax: 024.38438791 / Email: hcth.htx@mard.gov.vn; cucktht@gmail.com

Technology Supported by ECPVietnam