Bài phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp tại Hội nghị Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024

Thưa các đồng chí!

Cách đây 78 năm, ngày 09/11/1946 đã đi vào lịch sử, như là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta - ngày Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới ban hành bản Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!

Tư tưởng độc lập tự do dân tộc trong Bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khẳng định bằng Hiến pháp năm 1946 và ngày 09/11 hằng năm được ghi nhận là Ngày Pháp luật Việt Nam kể từ ngày 01/01/2013 - khi Luật Phổ biến và giáo dục pháp luật có hiệu lực. Ngày Pháp luật là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, xã hội sâu sắc, khơi dậy trong mọi công dân ý thức về trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình trong việc tham gia tích cực vào các sinh hoạt của đời sống chính trị và đời sống xã hội.            

Nhằm khẳng định, làm sâu sắc thêm mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam và vai trò của pháp luật trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển Đất nước; đặc biệt trong không khí thi đua cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thiết thực tổ chức kỷ niệm 80 năm thành lập Bộ Canh nông, hôm nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT long trọng tổ chức Hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024.

Đối với Ngành Nông nghiệp và PTNT, liên tục trong nhiều năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XI, XII và hiện nay là nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là 1 trong 3 đột phá chiến lược luôn được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhằm tạo dựng hệ thống khung khổ pháp luật ngày càng hoàn thiện cho phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

Tinh thần đó thấm nhuần trong toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của Bộ, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ. Đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và cán bộ làm công tác Pháp chế lại càng trở thành một yêu cầu thường trực, bức thiết trong việc tổ chức nghiên cứu, chủ động đề xuất, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, tôi nhiệt liệt biểu dương những cố gắng và kết quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đội ngũ những người đang hàng ngày, hàng giờ thực hiện nhiệm vụ pháp chế trong ngành nông nghiệp và PTNT.

Thưa các đồng chí!

Để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, công tác truyền thông, tiếp thị các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội, năm nay Bộ tiếp tục tập trung vào hoạt động Tập huấn kỹ năng xây dựng, truyền thông, tiếp thị chính sách pháp luật ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, theo định hướng mới về xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nội dung này gắn bó chặt chẽ và góp phần thiết thực tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về nông nghiệp nói riêng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân,  nâng cao nhận thức hiểu biết và thực thi pháp luật, ý thức tôn trọng, chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành.

Để hưởng ứng và không ngừng làm sâu sắc thêm ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam, trong thời gian tới, tôi đề nghị các đơn vị thuộc Bộ làm tốt một số nhiệm vụ như sau:

  1. Nghiêm túc quán triệt sâu sắc, tổ chức triển khai thực hiện tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV liên quan một số điểm nghẽn, tồn tại, hạn chế về thể chế và yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 868/TTg-TKBT ngày 25/10/2024 về việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; Văn bản số 15/CTQH ngày 29/10/2024 của Chủ tịch Quốc hội về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật.
  2. Tập trung thực hiện tốt kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu: Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
  3. Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, quản lý không cứng nhắc, không tồn tại tư duy “không quản được thì cấm”; đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
  4. Đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn

- Nghiêm túc tuân thủ đúng và đầy đủ  quy định, quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời rà soát, đánh giá hoàn thiện quy trình lập đề nghị, đề xuất, quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, chương trình được đề ra.

- Hoạt động xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.

- Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả,  kịp thời, dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ thực hiện, bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, có tính ổn định, có giá trị lâu dài, đúng thẩm quyền. Quy định phải rõ ràng, thực chất, không quy định chung chung, không sao chép lại nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác.

- Bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, tham vấn ý kiến, nhất là ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, đối tượng chịu tác động; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan; tăng cường sự phản biện xã hội, tăng cường công tác truyền thông, tiếp thị các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau để kịp thời thông tin chính sách, nâng cao chất lượng của các văn bản cũng như sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn.

- Thay đổi tư duy về phương thức truyền thông, hướng tới đơn giản, dễ hiểu; xây dựng kịch bản truyền thông, sử dụng hình thức truyền thông bằng hình ảnh, đồ hoạ đối với các chính sách, quyết định, kế hoạch đã được ban hành.

- Thường xuyên chỉ đạo việc rà soát, đánh giá, tổng kết việc tổ chức thi hành pháp luật, các cơ chế, chính sách hiện hành nhằm chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn, có giải pháp khắc phục các quy định, chính sách chưa đồng bộ, chồng chéo, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; phát hiện  những  vấn đề mới phát sinh cần điều chỉnh để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

- Nghiên cứu, đánh giá và đề xuất phương án xử lý đối với các phản ánh, kiến nghị về quy định vướng mắc, bất cập tại các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ ban hành hoặc tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền ban hành. Đối với các phản ánh, kiến nghị chưa phù hợp, chưa được tiếp thu, các đơn vị thuộc bộ tiếp tục hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời các cơ quan, địa phương đã phản ánh, kiến nghị biết, hiểu rõ nội dung để áp dụng trên thực tế.

  1. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Bộ và các địa phương, giữa Bộ và các đơn vị thuộc Bộ trong quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc Bộ, nâng cao năng lực thực thi; Những việc đơn vị thuộc Bộ, địa phương làm tốt hơn thì mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho đơn vị thuộc Bộ, địa phương để Bộ tập trung làm chính sách và xử lý những vấn đề vĩ mô; cải cách triệt để thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, cải tiến các dịch vụ công trực tuyến thuộc phạm vi quản lý của Bộ ngày càng thuận tiện, thông suốt, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
  2. Tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”.

- Tiếp tục tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của Đảng và Nhà nước về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham  nhũng tiêu cực, lợi ích  nhóm, lợi ích cục  bộ trong  xây  dựng  pháp  luật như: (i) Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; (ii) Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm (trong đó có yêu cầu không được: “chỉ đạo, ban hành thể chế, cơ chế, chính sách có nội dung trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ”; (iii) Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (yêu cầu: “ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp  luật”; (iv) Nghị quyết  số 853/NQ-UBTVQH15  ngày  30/8/2023 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc  hội  khóa XV (yêu cầu: “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng, ban hành văn bản  quy  phạm  pháp  luật”.

- Thủ trưởng đơn vị trực tiếp lãnh đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng thể chế, pháp luật của cơ quan, đơn vị; trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng,  truyền thông tiếp thị các chính sách, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách trình các cơ quan có thẩm quyền; chịu trách nhiệm cá nhân trước Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ về tiến độ cũng như chất lượng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống tốt đẹp của Ngành, các đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, thi hành pháp luật, tạo sự đồng thuận, niềm tin của người dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2024 và các năm tiếp theo.

Chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công./.


© Bản quyền thuộc về Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đ/c: Số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, TP. Hà Nội.

Chịu trách nhiệm: Ông Lê Đức Thịnh - Cục Trưởng

Tel: 024.38438794 / Fax: 024.38438791 / Email: hcth.htx@mard.gov.vn; cucktht@gmail.com

Technology Supported by ECPVietnam