Tìm hướng phát triển sản xuất và tiêu thụ cây lan Hồ điệp tại Việt Nam
Ngày 24-25/9/2024, Viện nghiên cứu Rau quả (FAVRI) phối hợp với Hiệp hội phát triển sản xuất và thương mại hoa lan Đài Loan (TOGA) tổ chức Hội nghị Hợp tác Phát triển ngành Hoa Lan Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc). Hội nghị đã thu hút sự tham gia của hàng trăm đại biểu là nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hoa lan, đặc biệt là hoa lan hồ điệp. Đây là một sự kiện quan trọng trong ngành sản xuất hoa lan, không chỉ là dịp chia sẻ kiến thức chuyên môn về lỹ thuật, mà còn là cơ hội mở ra nhiều hướng nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, cá nhân.
Toàn cảnh Hội nghị Hợp tác Phát triển ngành Hoa Lan Việt Nam – Đài Loan
Trong phiên thảo luận đầu tiên của Hội nghị, nhiều bài tham luận đã được trình bày. TS. Trần Duy Dương - Ủy viên Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Hoa lan Việt Nam và TS. Nguyễn Văn Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa đã trình bày các vấn đề về tổng quát về tình hình nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ hoa lan trong những năm gần đây. Các thông tin đều nhấn mạnh rằng ngành hoa lan Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết, như việc chọn tạo ra các giống có bản quyền, nâng cao chất lượng hoa và cải tiến các phương pháp canh tác.
Các bài tham luận được trình bày của Hội nghịHội nghị cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy các dự án đầu tư. Ông Tai Cheng Wen, Tổng giám đốc Công ty Chiao Puh Agriculture, đã trình bày về kinh nghiệm đầu tư hoa lan tại Việt Nam. Ông nhận định rằng Việt Nam có điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp để phát triển các giống hoa lan, đặc biệt là lan hồ điệp. Việc đầu tư vào công nghệ cao và hợp tác với các đối tác Việt Nam sẽ là hướng đi chiến lược cho sự phát triển bền vững của ngành hoa lan. Đồng quan điểm như vậy, bà Cheng Shu Fang – Giám đốc marketing Công ty TNHH Apollo Việt Nam thuộc tập đoàn Royal Base Corporation đã đưa ra những định hướng trong sản xuất, thương mại hoa lan Hồ điệp cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu.
Các doanh nghiệp của Việt Nam (Bà Ngô Thị Hồng An- Chủ tịch Công ty Điện Hoa Toàn Cầu Việt Pháp; Bà Bùi Thị Hường Bích – Giám đốc HTX Đan Hoài) cũng đã có những chia sẻ về những khó khăn, thách thức cũng như những cơ hội tiềm năng trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoa lan hồ điệp ở thị trường nội địa.
Phát biểu tham luận tại hội nghị GS. TSKH Trần Duy Quý, Chủ tịch hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh hoa lan Việt Nam cũng nhấn mạnh: Việt Nam rất có tiềm năng để phát triển hoa lan nói chung và hoa lan hồ điệp nói riêng, trong những năm qua, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu về nghiên cứu và sản xuất, tuy nhiên sự đầu tư của nhà nước còn rất hạn chế, nếu được quan tâm hơn nữa (mỗi năm nhà nước dành khoảng 10 tỷ đầu tư cho nghiên cứu và tạo cơ chế cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoa lan, thì chỉ sau 5 năm, chúng ta sẽ thành 1 trong những cường quốc xuất khẩu hoa lan.
Một trong những hoạt động bên lề của Hội nghị được các đại biểu quan tâm là thưởng lãm 435 giống hoa lan hồ điệp và tham gia bình chọn các giống mà mình yêu thích nhất. Kết quả lựa chọn ra 30 mẫu giống hoa được nhiều người yêu thích nhất, từ đó giúp các nhà nghiên cứu, sản xuất giống hoa có định hướng và đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nhưng năm tiếp theo.
Khu trưng bày 435 giống hoa tại Hội nghị
Các đại biểu tiến hành bình chọn các giống lan hồ điệp
Một số giống lan hồ điệp đặc sắc được bình chọn tại Hội nghị
Cũng tại Hội nghị Ban tổ chức đã tổ chức các phiên gặp gỡ, tiếp xúc cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh của Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc). Kết quả đã tổ chức được 14 phiên gặp gỡ và tiếp xúc giữa các doanh nghiệp, hứa hẹn trong thời gian tới sẽ có nhiều hợp tác sâu hơn trong công tác thương mại giống và hỗ trợ kỹ thuật.
Gặp gỡ và tiếp xúc giữa các doanh nghiệp
Ngoài tham dự Hội nghị, ngày 25/9/2024 các đại biểu đã có cơ hội thăm quan thực địa tại các khu sản xuất hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại Hải Phòng và Hà Nội. Đặc biệt, chuyến thăm Công ty CP Nông nghiệp CNC Châu Giang, Công ty CP Đầu tư Phát triển Nông nghiệp CNC Toàn Cầu và Hợp tác xã Đan Hoài đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Tại đây, các đại biểu đã chứng kiến các mô hình sản xuất hiện đại với quy trình khép kín từ nhân giống, trồng trọt đến chăm sóc và thu hoạch hoa lan. Những mô hình này hứa hẹn sẽ là hướng phát triển bền vững cho ngành hoa lan Việt Nam trong tương lai.
Thăm mô hình sản xuất hoa lan hồ điệp tại Công ty CP Nông nghiệp CNC Châu Giang Thủy Nguyên, Hải Phòng
Tham quan tại Công ty CP Đầu tư Phát triển Nông nghiệp CNC Toàn Cầu Đan Phượng, Hà Nội
Thăm mô hình sản xuất hoa lan hồ điệp tại HTX Đan Hoài – Đan Phượng, Hà Nội
Nguồn: Viện Nghiên cứu rau quả
Tin liên quan
- Bản tin Hợp tác xã Tháng 7 năm năm 2019
- Lễ công bố, trao quyết định bổ nhiệm lại Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Hoàng Yến và các Quyết định bổ nhiệm Lãnh đạo một số Phòng thuộc Cục
- LỄ KÝ KẾT CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC GIAI ĐOẠN 2021-2025 GIỮA CỤC KINH TẾ HỢP TÁC VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VỚI TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG QUỐC GIA
- Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm và làm việc tại mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã Sơn Tây
- Báo cáo thường niên ngành kinh tế hợp tác 2021
- Diễn đàn Nông dân hợp tác liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp Chào mừng 76 năm ngày Hợp tác xã Việt Nam
- CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 76 NĂM, NGÀY HỢP TÁC XÃ VIỆT NAM
- Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài
- Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
- Lễ Công bố và trao Quyết định bổ nhiệm lại chức vụ Phó Cục trưởng