Tiềm ẩn những tai nạn lao động trong nông nghiệp

Việc ứng dụng các máy móc, công nghệ hiện đại một cách bừa bãi, thiếu khoa học vào nông nghiệp đã khiến một bộ phận nông dân phải đối mặt với những rủi ro về an toàn lao động (ATLĐ).


Điều kiện lao động trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể nhưng nông dân vẫn thường xuyên tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vận hành máy móc, nông cụ...
Tuy nhiên, công tác ATLĐ trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa được người nông dân quan tâm dẫn đến hàng trăm vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đáng tiếc đã xảy ra khi vận hành máy tuốt lúa, máy xát gạo, máy làm đất; bị thương do giẫm phải vật sắc nhọn; bị trâu, bò húc ngã khi thu hoạch cây ăn quả; nhiễm độc bước đầu do sử dụng thuốc BVTV không đúng cách... và tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật lâu dài.
Bị mảnh vỡ chai thuốc trừ sâu đâm thủng bàn chân, chị Quế, xã Thọ Hải (Thọ Xuân) đã phải đến cơ sở y tế tiêm phòng uốn ván, điều trị bằng thuốc kháng sinh dài ngày. Theo chị Quế, mảnh vỡ nằm khuất trong bụi cỏ, không nhìn rõ nên chị giẫm phải. Do không đi ủng nên vết thương khá sâu, mất nhiều máu. Từ đó, mỗi lần ra đồng chị luôn thấy không an toàn.
Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị tai nạn lao động bị chấn thương phải nhập viện sơ cấp cứu. Bên cạnh đó, nhiều người dân còn bị nhiễm độc do bỏ qua các khuyến cáo sử dụng bảo hộ lao động khi phun thuốc BVTV.
43 tuổi, anh Thanh có nhiều năm làm nông tại xã Tiến Nông (Triệu Sơn) cho hay, mới đây trong lúc bơm thuốc trừ sâu cho lúa, anh không đeo khẩu trang, mặc áo vải thường, đội mũ cối cộng với bình bơm bị rò nên thuốc ngấm vào da. Về đến nhà, khắp người mẩn đỏ, chân tay bủn rủn, choáng váng, phải nghỉ làm mất mấy ngày.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân các vụ tai nạn một phần do người nông dân chủ quan. Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp ATLĐ trong nông nghiệp bằng kinh nghiệm cũng là một nguyên nhân dẫn đến TNLĐ.
Trong khi đó, kết quả điều tra về việc lưu thông và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, cơ quan chức năng chỉ ra, hơn 70% số hộ nông dân mua thuốc ở thị trường tự do và trên 90% số hộ sử dụng thuốc không có hướng dẫn và không hiểu biết về độc hại của các loại thuốc sử dụng.
Các quan chức năng tỉnh Thanh Hóa nhận định, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi là một trong những nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, kể cả sức khỏe của chính người sử dụng thuốc.
Nhìn nhận về việc gia tăng tai nạn lao động và ô nhiễm môi trường do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, theo ông Hoàng Ngọc Trung, Trưởng Phòng Việc làm – ATLĐ (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đa số các hộ dân chủ yếu lao động theo hình thức hộ gia đình, cho nên khi xảy ra các vụ tai nạn, phần lớn người dân không khai báo với cơ quan chức năng.
Để nâng cao nhận thức cho người dân trong vấn đề về ATLĐ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức một số lớp tập huấn về sử dụng máy móc trong nông nghiệp cho các hội viên nông dân; đồng thời thường xuyên tuyên truyền về vấn đề an toàn vệ sinh lao động tới đông đảo bà con nông dân.
Tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn chưa cao do các hoạt động trên mới chỉ được tổ chức ở quy mô nhỏ lẻ và phần lớn người dân không quan tâm thực hiện.

(Theo Infonet)


© Bản quyền thuộc về Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đ/c: Số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, TP. Hà Nội.

Chịu trách nhiệm: Ông Lê Đức Thịnh - Cục Trưởng

Tel: 024.38438794 / Fax: 024.38438791 / Email: hcth.htx@mard.gov.vn; cucktht@gmail.com

Technology Supported by ECPVietnam