Hội nghị củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp và Phiên chợ HTX nông nghiệp vùng cao tại Cao Bằng

Ngày 10/6/2019, tại tỉnh Cao Bằng, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp và Phiên chợ hợp tác xã nông nghiệp vùng.

Tham dự Hội nghị có đại diện: Văn phòng Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Ban Kinh tế Trung ương; 15 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và các hợp tác xã nông nghiệp điển hình, tiêu biểu trong vùng.

Hội nghị nhằm xác định mô hình hợp tác xã nông nghiệp; giải pháp hỗ trợ phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt đông của hợp tác xã nông nghiệp và đưa ra những kiến nghị, đề xuất các cơ chế chính sách hiện hành; kết nối tiêu thụ nông sản. Đồng thời tổ chức phiên chợ hợp tác xã nông nghiệp vùng cao để các địa phương trưng bày sản phẩm nông nghiệp và tạo sự kết nối tiêu thụ nông sản với BigC và các doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến hết năm 2018, toàn vùng có 3.371 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 155% so với năm 2013 và 270% so với năm 2003. Tại thời điểm Luật Hợp tác xã có hiệu lực (1/7/2013) toàn vùng có 2.180 hợp tác xã nông nghiệp. Đến hết năm 2018, các hợp tác xã nông nghiệp chiếm 24,15% tổng số hợp tác xã nông nghiệp trong cả nước, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước (là 224 HTX/220 HTX). Các hợp tác xã dịch vụ tổng hợp chiếm 39,57%, còn lại 60,43% là các hợp tác xã hoạt động theo lĩnh vực chuyên ngành (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản) cao hơn 25% cả nước trong đó các hợp tác xã trồng trọt chiếm tỷ lệ cao nhất là 22,25%; hợp tác xã chăn nuôi là 8,28%. Đây là hướng chuyển dịch tích cực gắn chặt chẽ hoạt động của hợp tác xã với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giảm bớt các hợp tác xã tổng hợp chủ yếu thực hiện dịch vụ đầu vào như trước đây.

Cũng theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, do điều kiện đặc thù của khu vực trung du miền núi phía Bắc có nhiều khó khăn song các địa phương có nhiều cố gắng quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho hợp tác xã nông nghiệp phát triển như tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ, hướng dẫn, kết nối các doanh nghiệp…. Do đó đã xuất hiện nhiều hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Đây chính là mô hình thiết thực về hợp tác xã kiểu mới để đánh giá, tổng kết nhân rộng trong thời gian tới đây. (2) Hợp tác xã nông nghiệp phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Một số tỉnh có phong trào xây dựng và phát triển hợp tác xã mạnh. Nhiều tỉnh có số lượng hợp tác xã thành lập mới vượt kế hoạch đề ra theo Quyết định số 461/QĐ-TTg. (3) Cơ bản đã chuyển đổi xong hợp tác xã. Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoàn thành chuyển đổi được củng cố, từng bước đổi mới về tổ chức hoạt động, thích ứng ngày càng tốt hơn với cơ chế thị trường và khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí của hợp tác xã. (4) Nhiều hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư thiết bị, máy móc, xây dựng nhà xưởng, nhà kho, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, áp dụng các quy trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngày càng có nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới thực hiện liên kết và tiêu thụ với doanh nghiệp theo hợp đồng, gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực của địa phương...

Bên cạnh những mặt đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như: (1) Số lượng các hợp tác xã tuy có tăng, chất lượng hoạt động được nâng lên song chưa vững chắc; tỷ lệ hợp tác xã hoạt động tốt, khá đạt 31,19% thấp hơn bình quân cả nước, tỷ lệ hợp tác xã trung bình, yếu kém còn cao. Rất ít hợp tác xã có thương hiệu sản phẩm. Hoạt động của các hợp tác xã còn thiếu gắn bó với nhau. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã với nhau còn ít, nội dung hạn chế;  (2) Vẫn còn những hợp tác xã thành lập hoặc chuyển đổi mang tính hình thức, theo phong trào nên lúng túng trong hoạt động và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hoạt động mang tính hình thức. (3) Bộ máy theo dõi quản lý hợp tác xã nông nghiệp còn yếu và mỏng. (4) Mặt trận, các đoàn thể vẫn chưa thể hiện vai trò một cách thường xuyên, hoạt động tuyên truyền, vận động còn hạn chế, chưa sâu sát với phong trào kinh tế hợp tác xã.(5) Công tác tư vấn, hướng dẫn hợp tác xã trong tổ chức và hoạt động kinh doanh dịch vụ còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của hợp tác xã. (6) Chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp còn hạn chế. Số lượng hợp tác xã nông nghiệp được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách rất thấp, chủ yếu tập trung vào nhóm chính sách về đào tạo tập huấn,... (7) Quy định về tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng không phải thành viên hợp tác xã không quá 50% là bất cập do không khuyến khích được sản xuất kinh doanh của hợp tác xã. (8) Chưa có hướng dẫn cụ thể về hoạt động tín dụng nội bộ trong hợp tác xã mặc dù Luật Hợp tác xã đã quy định về hoạt động này. Thiếu một số văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành để triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, như: Hướng dẫn định mức hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho hợp tác xã nông nghiệp theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg. (9) Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp ít được quan tâm thực hiện dẫn đến việc hướng dẫn, xử lý thực hiện Luật Hợp tác xã không đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý. (10) Hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Để giải quyết các vấn tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã đưa ra 6 nhóm giải pháp, cụ thể như: (1) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và quảng bá kết quả thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, Quyết định số 461/QĐ-TTg về Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hiệu quả đến 2020; tuyên truyền các mô hình hợp tác xã kiểu mới khởi nghiệp thành công, ứng dụng công nghệ cao và phát triển liên kết; tuyên truyền hỗ trợ kết nối nông sản của hợp tác xã nông nghiệp với thị trường; tuyên dương các hợp tác xã, doanh nghiệp, trang trại hoạt động có hiệu quả tiêu biểu. (2) Tiếp tục triển khai Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoat động hiệu quả đến năm 2020, trong đó cấn lưu ý các kế hoạch hỗ trợ phát triển hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp; kế hoạch Phát triển hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020. Triển khai đầy đủ các nhiệm vụ được giao theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP. (3) Đẩy mạnh việc đào tạo, thu hút để nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ hợp tác xã. Hàng năm, các địa phương bố trí kinh phí đào tạo từ nguồn đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn của Trung ương hỗ trợ và các nguồn khác để đáp ứng với yêu cầu đào tạo phát triển hợp tác xã; hỗ trợ khởi nghiệp và thu hút cán bộ trẻ về làm việc ở các hợp tác xã nông nghiệp; quan tâm củng cố tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ quản lý nhà nước, đẩy mạnh việc đâò tạo, bố trí sắp xếp cán bộ có năng lực chuyên môn tốt để thực hiện các nhiệm vụ về quản lý Nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp; hình thành đội ngũ chuyên gia tư vấn phát triển hợp tác xã tại các địa phương với sự hỗ trợ của các Viện, trường có uy tín như Đại học Nông lâm Thái Nguyên, các Viện thuộc Bộ,.... (4) Coi trọng và đẩy mạnh việc hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất và kinh doanh. Công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp bao gồm công nghệ giống, công nghệ sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm và công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp (phân bón thông minh, phân bón vi sinh, hữu cơ vi sinh...). Tùy điều kiện mà hỗ trợ giúp cho các hợp tác xã ứng dụng các công nghệ phù hợp, chi phí thấp, dễ dàng trong ứng dụng. Sau khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cần hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng công nghệ 4.0 công nghệ thông minh, thực hiện truy suất nguồn gốc để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm của các hợp tác xã, doanh nghiệp. (5) Phát triển các liên hiệp hợp tác xã, các mô hình hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp theo các chuỗi giá trị nông sản chủ lực có liên kết đầu vào và đặc biệt là đầu ra theo quy định Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ tại các địa phương. (6) Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của Nhà nước về phát triển hợp tác xã nông nghiệp và kiểm toán hoạt động của các hợp tác xã nhằm thực hiện đầy đủ các quy định và tính minh bạch trong hoạt động của hợp tác xã./.

Bùi Quang Tuấn - Cục Kinh tế hợp tác và PTNT


© Bản quyền thuộc về Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đ/c: Số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, TP. Hà Nội.

Chịu trách nhiệm: Ông Lê Đức Thịnh - Cục Trưởng

Tel: 024.38438794 / Fax: 024.38438791 / Email: hcth.htx@mard.gov.vn; cucktht@gmail.com

Technology Supported by ECPVietnam

Chung nhan Tin Nhiem Mang