Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để thay thế cây thuốc lá

Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47,4% (trung bình hai nam giới có một người hút thuốc), ở nữ giới là 1,4%. Hai phần ba số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà; 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc trong nhà; 5 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Tại Việt Nam, trong số 4 nguyên nhân gây tử vong cao thì thuốc lá đứng hàng thứ hai sau HIV và tiếp theo thuốc lá là rượu và tai nạn giao thông.

Năm 2021 diện tích thuốc lá cả nước đạt 12.869 ha, tăng so với năm 2019 là 62,7 ha (tốc độ tăng bình quân 0,24%/năm); tăng so với năm 2020 là 366,7 ha. Vùng BTB có tốc độ tăng diện tích trồng cây thuốc lá cao nhất cả nước, bình quân 11,72%/năm, tiếp đến là vùng DHNTB 9,92%/năm; vùng ĐBSCL với mức giảm bình quân 37,98%/năm, Cây thuốc lá được trồng ở 6/7 vùng của cả nước với 23 tỉnh thành (vùng ĐBSH không có diện tích trồng thuốc lá); trong đó chủ yếu tập trung ở vùng TDMNPB (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và một ít ở Thái Nguyên) và vùng Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk và một ít ở Kon Tum, Đắc Nông), chiếm đến 81,7% diện tích gieo trồng cây thuốc lá cả nước với diện tích lần lượt là 6.063,8ha (chiếm 47,1%) và 4.451,7ha (chiếm 34,6%). Vùng có diện tích cây thuốc lá được các công ty sản xuất thuốc lá trong nước đầu tư khá bài bản từ khâu giống đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản, nhiều địa phương vùng trồng cây thuốc lá còn được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để đảm bảo đời sống cho người dân trồng cây thuốc lá.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với vai trò đơn vị chủ quản giúp Chính phủ chuyển đổi ngành nghề cho nông dân trồng cây thuốc lá đã và đang tiếp tục thực hiện các giải pháp chuyển đổi ngành nghề cho người trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, sản xuất thuốc lá nhằm tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Bộ đã phối hợp với UBND các tỉnh chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn của chương trình, dự án như chương trình 30a, 135, chương trình 134, 132, Nước sạch Vệ sinh Môi trường và chương trình xóa đói giảm nghèo, đã tạo nguồn lực đáng kể nhằm phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến các loại cây công nghiệp, cây ăn quả theo hướng:

-  Tiếp tục chuyển đổi nghề cho người trồng thuốc lá theo hướng hỗ trợ các vùng sản xuất thuốc lá kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn theo hướng sản xuất hàng hóa, có liên kết với doanh nghiệp, vùng nguyên liệu..

- Tăng cường hỗ trợ, khuyến khích chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đối với cây trồng vật nuôi chủ lực, có thế mạnh tại địa phương theo hướng hiệu quả, bền vững.

- Tiếp tục tập trung nguồn lực và ưu tiên hỗ trợ, nhân rộng cho các mô chuyển đổi có hiệu quả.

Đỗ Thị Thu Trang


© Bản quyền thuộc về Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đ/c: Số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, TP. Hà Nội.

Chịu trách nhiệm: Ông Lê Đức Thịnh - Cục Trưởng

Tel: 024.38438794 / Fax: 024.38438791 / Email: hcth.htx@mard.gov.vn; cucktht@gmail.com

Technology Supported by ECPVietnam

Chung nhan Tin Nhiem Mang