Thiếu khung pháp lý cho tín dụng nội bộ HTX nông nghiệp

Ngành Kinh tế hợp tác và PTNT vừa tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ 2019 tại TP.HCM. Tại Hội nghị này, một trong những thông tin được nhiều người quân tâm là thực trạng hoạt động tín dụng nội bộ ở nhiều HTX nông nghiệp hiện nay.

(Ảnh minh họa)

Ý nghĩa lớn

Theo Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, tín dụng nội bộ (TDNB) trong HTX nông nghiệp đã hình thành và phát triển nhanh trong những năm qua. Một phần xuất phát từ hiệu quả thiết thực mà dịch vụ này mang lại cho các thành viên và HTX, phần khác là do ngân hàng và các tổ chức tín dụng không đáp ứng kịp thời và đủ nhu cầu vốn cho hộ nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều HTX nông nghiệp đã chủ động tổ chức dịch vụ TDNB giữa các thành viên trong HTX. Hiện cả nước có gần 1.200 HTX nông nghiệp thực hiện TDNB (chiếm khoảng 10% số HTX nông nghiệp).

Để thực hiện dịch vụ TDNB, các HTX đã tổ chức hoạt động huy động tiền nhàn rỗi trong cộng đồng thành viên để tạo ra nguồn cung vốn cho những thành viên khác vay. Lượng vốn mà các HTX huy động biến động rất lớn, từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng/HTX (trung bình khoảng 600 triệu đồng/HTX). Cá biệt có HTX huy động được tới vài chục tỷ đồng. Việc cho vay được thực hiện với những thủ tục đơn giản, nhưng vẫn đảm bảo được việc thu hồi vốn. Dịch vụ này giúp cho những thành viên có tiền nhàn rỗi có thể cho những người thiếu vốn vay thông qua HTX, nghĩa là 2 bên đều có lợi và có sự đảm bảo an toàn đối với số vốn cho vay.

Hiện nay, ở nhiều địa phương, nhiều HTX nông nghiệp đang thực hiện khá tốt hoạt động TDNB. Chẳng hạn, tại Lâm Đồng có 11 HTX đang làm dịch vụ TDNB. Các HTX này đã giải quyết cho 574 hộ thành viên vay tổng số tiền gần 15 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ thành viên được vay từ 3-100 triệu đồng để phát triển sản xuất. Hoạt động này giúp cho các hộ thành viên có vốn để đầu tư thâm canh, sản xuất, kinh doanh…, mà không phải bán sản phẩm trước của mình để lấy vốn đầu tư và hạn chế nạn cho vay lãi cao.

HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Bình Định (Huyện Kiến Xương, Thái Bình), có vốn thực hiện TDNB là hơn 4 tỷ đồng. Doanh số và dư nợ hàng năm lên đến trên 10 tỷ đồng, chiếm khoảng 30-40% doanh tổng doanh thu của HTX. Hàng năm cho vay hàng trăm lượt hộ bằng tín dụng tiền mặt và tín dụng vật chất. Tỷ lệ nợ quá hạn gần như bằng 0…

Ông Hà Văn Ngạc, Chi cục trưởng Chi cục PTNT Tuyên Quang, cho hay, Tuyên Quang có 8 HTX nông nghiệp đang có dịch vụ TDNB, với tổng vốn huy động hơn 29 tỷ đồng. Nhìn chung, hoạt động TDNB của các HTX nông nghiệp có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế của địa phương. Tại các xã mà HTX nông nghiệp co dịch vụ TDNB, kinh tế đều phát triển, nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất của nông dân là khá lớn. Dịch vụ TDNB của các HTX rất tiện lợi, nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu vào mọi thời điểm của cả người gửi lẫn người vay.  

Thiếu khung pháp lý

Tuy nhiên, một vấn đề đang được đặt ra với hoạt động TDNB của các HTX nông nghiệp hiện nay là thiếu khung pháp lý. Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, khi thực hiện dịch vụ TDNB, các HTX đang dựa vào Luật HTX 2012 (cho phép HTX cung cấp tín dụng cho thành viên) và Thông tư 15/VBHN-NHNN ban hành tháng 5/2014.

Nhưng theo đại diện của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), trước đây, hoạt động TDNB của các HTX thực hiện theo Thông tư 06/2004, Thông tư 04/2007 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đến năm 2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra Thông tư 15/VBHN-NHNN về việc hợp nhất 2 thông tư nói trên. Nhưng đến năm 2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản bãi bỏ 2 Thông tư 06/2004 và 04/2007, đồng nghĩa với việc Thông tư 15 không còn hiệu lực. Như vậy, hoạt động TDNB của các HTX nông nghiệp rõ ràng đang bị thiếu khung pháp lý, nhất là từ các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngay cả khi Thông tư 15 chưa bị bãi bỏ, thì tính pháp lý của thông tư này cũng có vấn đề bởi nó căn cứ vào Luật HTX 2003, vốn đã bị bãi bỏ và thay thế bằng Luật HTX 2012.

Chính vì sự không thống nhất giữa các luật, nhất là Luật HTX với các luật khác khiến cho việc quy định nghĩa vụ thuế, phí đối với hoạt động TDNB gặp khó khăn, các cấp thực hiện cũng hiểu khác nhau, nên ít HTX thực hiện đầy đủ nghĩa vụ này. Trong thực tế, việc kiểm tra, giám sát và kiểm toán đối với hoạt động TDNB không hoặc ít được quan tâm. Cấp huyện là cấp cấp đăng ký kinh doanh HTX, nhưng không giao cho đơn vị nào chịu trách nhiệm này. Trong khi đó, các HTX làm dịch vụ TDNB đều mong muốn được giám sát, kiểm tra, hướng dẫn thường xuyên để nếu co sai sót nào đó trong hoạt độngsẽ được phát hiện và khắc phục kịp thời.

Ông Tiết Văn Thành, TGĐ Agribank, cũng cho rằng, dịch vụ TDNB trong HTX đang bị vướng ở chỗ chưa có khung pháp lý đầy đủ, có thể gây rủi ro về mặt cơ chế, rủi ro cho những người làm công tác TDNB ở các HTX.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết sẽ làm việc sớm với Ngân hàng Nhà nước để làm rõ tính pháp lý của dịch vụ TDNB trong các HTX nông nghiệp. Nếu các HTX được phép thành lập quỹ tín dụng nội bộ, thì phạm vi hoạt động của quỹ đến đâu, ở mức độ nào…


(NNVN)


© Bản quyền thuộc về Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đ/c: Số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, TP. Hà Nội.

Chịu trách nhiệm: Ông Lê Đức Thịnh - Cục Trưởng

Tel: 024.38438794 / Fax: 024.38438791 / Email: hcth.htx@mard.gov.vn; cucktht@gmail.com

Technology Supported by ECPVietnam

Chung nhan Tin Nhiem Mang